Mặc dù đã tham gia giao dịch chứng khoán từ lâu như tôi nhận thấy mình vẫn mắc đi mắc lại một số sai lầm kinh điển. Ngoài những sai lầm là chung cho mọi thị trường thì có những sai lầm rất đặc thù cho chứng khoán Việt nam. Tôi xin chia sẻ vài sai lầm mà tôi nghĩ rất nhiều người cũng mắc phải.
1. Thay đổi tiêu chí đầu tư
Khi mua một cổ phiếu chúng ta đều phải có lý do. Lý do có thể rất trí tuệ như là phân tích tình hình kinh doanh của công ty thấy xu hướng đi lên lừng lững trong trào lưu 4.0 dưới sự lãnh đạo hết sức tài tình của chi bộ, hoặc có thể hơi ngớ ngẩn như tin đồn của bà hàng nước đầu ngõ là công ty đào thấy một mỏ vàng ở sân sau của trụ sở chính. Dù lý do mua là gì đi nữa, thì chúng ta phải hết sức kiên định với tiêu chí đầu tư: mua vì cái gì thì bán vì cái đó.
Ví dụ:
- khi mua cổ phiếu bạn nhận định lợi nhuận của công ty sẽ tăng mạnh, nếu phát hiện thấy lợi nhuận không tăng như bạn mong đợi thì cần phải bán cho dù giá đã giảm nhiều và bạn đang thua lỗ.
- mua theo tin đồn của bà hàng nước: nếu tin đồn không được confirm là phải tháo chạy để thoát thân
- mua vì thấy xu hướng giá đang lên thấy rõ trong chart H1: phải bán ngay khi H1 trend gãy
Ngẫm lại những lần tôi mất nhiều tiền nhất thì đều là do tôi tìm mọi cách biện bạch để không bán cổ phiếu và thay đổi tiêu chí của mình. Nếu mua cổ phiếu vì chart H1 và D1 quá đẹp, đến khi chart trở thành venezuela, thua lỗ trầm trọng thì quyết không bán mà chuyển sang danh mục đầu tư dài hạn. Thật vô cùng khó để thừa nhận là mình sai, phải không?
2. Không bán vì "đầu tư dài hạn"
Trong danh mục của các bạn hẳn có những mã cổ phiếu đầu tư dài hạn. Nhưng thật khó để bán ra cổ phiếu của những công ty tuyệt vời như VNM,VCS, HPG phải không? Tuy nhiên nếu nhìn lại chart quá khứ các bạn sẽ thấy ngay cả những cổ phiếu tuyệt vời cũng giảm giá rất mạnh khi thị trường đổ dốc. Kết luận là trên thị trường Việt nam không nên ôm chặt cổ phiếu, mà mua bán theo phân tích kỹ thuật . Nếu cổ phiếu rất tuyệt vời thì bạn sẽ canh mua lại sau khi bán, có vậy thôi.
(còn tiếp)