Trong phân tích kỹ thuật chúng ta sử dụng khá nhiều indicator khác nhau. Điểm mấu chốt khi sử dụng indicator là phải hiểu được indicator đó nói lên điều gì, nếu chỉ máy móc sử dụng mà không hiểu lắm thì kết quả chưa chắc đã được như mong đợi.
MACD là một trong những indicator được sử dụng rộng rãi nhất, tuy nhiên không phải ai cũng hiểu bản chất đằng sau MACD là gì. Công thức tính MACD như sau:
- Exponential Moving Average #1 (EMA1) – dùng chu kỳ dài
- Exponential Moving Average #2 (EMA2) – dùng chu kỳ ngắn hơn
- Tính chênh lệch (DIFF) giữa EMA1 và EMA2
- Tính Exponential Moving Average #3 (EMA3) của DIFF – chọn chu kỳ nào cũng được
- Vẽ EMA3 và DIFF trên cùng một đồ thị
Từ từ, Exponential Moving Average là gì vậy? Chắc các bạn đã biết Moving Average (MA hay SMA), hiểu nôm na là trung bình của n giá trị cuối cùng của một chuỗi. Ví dụ MA(14) của giá đóng cửa chỉ đơn giản là giá trị trung bình của giá đóng cửa của 14 bar trước đó. EMA có khác chút là có áp trọng số lên giá cuối cùng nhằm tăng ảnh hưởng của giá cuối cùng. Chu kỳ EMA càng ngắn thì trọng số càng lớn, nghĩ là bước giá cuối cùng ảnh hưởng càng mạnh.
Các chuỗi trung bình, dù là MA hay EMA đều sẽ bám sát bước giá cuối nhiều hơn nếu chu kỳ ngắn hơn, tức là nếu xu hướng thay đổi (từ giảm sang tăng hay ngược lại) thì EMA1 sẽ phản ứng chậm hơn EMA2, nói nôm na là EMA2 sẽ đổi chiều trước EMA1. Vì vậy sau một thời gian giá đổi chiều thì DIFF cũng vậy, giá liên tục tăng thì sẽ dẫn đến DIFF tăng và ngược lại. Sau khi DIFF đổi chiều một thời gian thì EMA3 cũng đổi chiều vì EMA3 là trung bình của DIFF. Trên đồ thị DIFF thường được gọi là MACD, còn EMA3 là Signal.
Vậy sử dụng MACD như thế nào? Mình có một số lưu ý sau đây:
- Sau khi xu hướng giá đổi chiều một thời gian MACD sẽ cắt Signal (nếu xu hướng giá là quay đầu đi lên thì MACD cắt Signal từ dưới lên và ngược lại). Cần hết sức chú ý điểm giao cắt, rất nhiều nhà đầu tư đánh ngược, khi MACD cắt từ dưới lên họ sẽ bán, vì vậy cần hết sức chú ý quan sát giao dịch ở những thời điểm này và không nên vội vàng. Bạn đừng quên ngoài bạn ra hàng vạn nhà đầu tư khác cũng sử dụng công cụ này.
- Cần xem MACD của các time frame cao hơn (ví dụ H1, ngày, tuần, tháng), nếu ở time frame cao hơn giá đang rớt không phanh hoặc đã tăng rất mạnh thì cần hết sức cẩn trọng.
- Đôi khi sự cắt nhau của MACD và Signal không còn quan trọng mà cần quan sát sự biến đổi về chất. Ví dụ nếu MACD và Signal đã dương (lớn hơn 0) một thời gian rất dài, mà nay trở thành âm (nhỏ hơn 0), hoặc ngược lại, thì có thể đã có sự thay đổi về chất và chúng ta cần hành động sớm.