Các bạn đọc bài này hẳn đều biết câu nói bất hủ của Warren Buffett: “Hãy mua khi người khác sợ hãi và hãy bán khi người khác tham lam”. Một câu nói rất hay, nhưng rất tiếc Warren Buffett không đề cập đến việc đo lường độ sợ hãi và lòng tham. Sự sợ hãi và lòng tham luôn hiện hữu trên thị trường hàng ngày, nếu cứ mua đi bán lại liên tục thì chỉ béo các công ty chứng khoán, còn chúng ta chắc ra đê ở sớm. Chính vì lý do này chúng tôi tìm cách đo lường độ sợ hãi và lòng tham của thị trường để giúp các bạn giao dịch tốt hơn. Hệ thống máy chủ của chúng tôi liên tục phân tích dữ liệu giao dịch của thị trường và tính toán mức độ sợ hãi/ lòng tham qua từng phiên, đó chính là Market Sentiment Index (SI). Ý tưởng giao dịch bằng SI là như sau: khi thị trường run sợ tột độ thì SI về mức thấp (0.1-0.2) thì có thể cân nhắc mua vào, với điều kiện thị trường có vẻ đã trấn tĩnh lại và không còn bị bán hoảng loạn bằng mọi giá. Khi thị trường hưng phấn cao độ, SI lên mức 0.8-0.9 thì có thể bắt đầu canh bán ra. Rất đáng tiếc, chiến thuật của phần lớn nhà đầu tư cá nhân là mua khi SI cao vút và dẫm đạp lên nhau tháo chạy khi SI rớt thế thảm.

Nhìn trên đồ thị các bạn thấy khi toàn bộ thị trường bị bán mạnh thì SI lao dốc, có thể về mức 0.1 hoặc thậm chí thấp hơn. Tuy nhiên phải hoảng loạn lắm thì mới đẩy được SI về dưới mức 0.1 cho nên chúng ta cũng cần phải có chút tinh tế để cảm nhận liệu có phải ngày tận thế sắp đến hay chỉ là một đợt điều chỉnh để có thể xác định vùng đáy của SI. Chúng ta mua cổ phiếu ở vùng SI rất thấp không có nghĩa mua xong thị trường sẽ đi lên ngay, trên lý thuyết thì thị trường có thể tiếp tục mất điểm một thời gian dài hoặc thậm chí rất dài, tuy nhiên trên thực tế thì các bữa tiệc máu không kéo dài được lâu. Tương tự như vậy, khi SI đạt mức rất cao không có nghĩa thị trường sắp quay đầu, thị trường có thể tiếp tục hưng phấn một thời gian rất dài, đây là câu chuyện đang diễn ra ngày một thường xuyên hơn. Vì vậy SI cao có nghĩa là không nên mua thêm chứ không phải cần tháo chạy ngay, chúng tôi nói canh bán là vì thế. Bí quyết để sống sót trên thị trường là mua khi máu đã đổ trên phố và bán khi tràn ngập cờ hoa, nói thì dễ nhưng để làm được điều này cần phải có bản ngã phi thường, biểu đồ SI giúp cho chúng ta tự tin hơn để ra quyết định đúng không ạ?

Các bạn lưu ý chúng ta đang nói về thị trường chung, các cổ phiếu cụ thể không nhất thiết phải theo thị trường chung, và đó là câu chuyện khác.

Phần thứ hai của dữ liệu analytics là danh sách các mã cổ phiếu có xác suất tăng hay giảm cao. Hệ thống máy chủ của chúng tôi phân tích dữ liệu giao dịch của các mã trên sàn và đưa ra danh sách các mã cần lưu ý. Xem lại dữ liệu analytics trong quá khứ các bạn có thể thấy là các nhận định sắp tăng giá có độ tin cậy cao (thậm chí rất cao) so với các nhận định sắp giảm giá. Điều này cũng dễ hiểu thôi, ngay cả chuyên gia tài giỏi nhất cũng không thể đoán đỉnh cho nên trí tuệ nhân tạo cũng không đoán được đỉnh (và có lẽ sẽ không bao giờ đoán được đúng đỉnh). Việc nhà đầu tư cần làm là nghiên cứu thêm về các yếu tố cơ bản của các mã được đưa vào danh sách, theo dõi giao dịch và tự đưa ra quyết định của bản thân.

Phần thứ ba của dữ liệu analytics là các cảnh báo thị trường sắp bị bán mạnh hoặc sắp có sự thay đổi đáng kể, ví dụ từ đi ngang chuyển sang tăng giá hay ngược lại… Các bạn lưu ý hệ thống chỉ có thể cảnh báo trong trường hợp giao dịch bình thường, chứ không thể cảnh báo biến động của thị trường do news gây ra. Ví dụ đêm nay chính phủ quyết định đóng cửa và giải tán thị trường chứng khoán sau một tuần nữa, các bạn biết chuyện gì sẽ xảy ra vào ngày mai rồi chứ? Trong những trường hợp này có lẽ cảnh báo của ông ngoại là đáng tin cậy nhất.

Chúc các bạn kiếm được tiền trên thị trường chứng khoán. Kiếm được là các bạn đã vinh dự đứng vào danh sách 10% tinh hoa rồi đấy.

Previous Post Next Post