DataFeed gửi tín hiệu kỹ thuật (mua/ bán) trong giờ giao dịch. Nhiều người hỏi chúng tôi sử dụng các tín hiệu này như thế nào. Đây là một câu hỏi khó.

Để hiểu được vấn đề, trước hết chúng ta phải hiểu được tín hiệu kỹ thuật là gì, khi nào thì xuất hiện các tín hiệu kỹ thuật. Về cơ bản tất cả các indicator trong phân tích kỹ thuật đều so sánh bằng cách này hay cách khác giá hiện tại với giá trong quá khứ. Mỗi indicator có một công thức riêng để thực hiện việc so sánh giá này. Nếu giá tăng hoặc giảm (so với quá khứ) vượt một ngưỡng nào đó thì sẽ có tín hiệu của indicator (mua hoặc bán). Như vậy ta thấy rằng tín hiệu mua của một indicator chỉ đơn giản có nghĩa là giá đã tăng (tương đối) vượt một ngưỡng định trước. Như vậy tín hiệu mua này hoàn toàn không có nghĩa rằng giá sẽ còn tiếp tục tăng. Ngược lại, tín hiệu bán của indicator chỉ có ý nghĩa rằng giá đã giảm (tương đối) đến một ngưỡng định trước, và hoàn toàn không có nghĩa giá sẽ còn tiếp tục giảm. Tất nhiên tín hiệu kỹ thuật của DataFeed không đơn giản như vậy, chúng tôi sử dụng hệ thống phân tích dữ liệu phức tạp hơn rất nhiều, nhưng bản chất thì vẫn là sử dụng các indicator của phân tích kỹ thuật.

Vậy sử dụng tín hiệu kỹ thuật như thế nào? Có hai trường hợp. Trong thị trường có xu hướng mạnh (lên hay xuống), các tín hiệu kỹ thuật thường rất đáng tin cậy, có tín hiệu mua là có thể mua và ngược lại. Trong thị trường sideway (đi ngang, không có xu hướng), thì tín hiệu thường có ý nghĩa ngược lại, nghĩa là có tín hiệu mua thì canh bán và có tín hiệu bán thì canh mua. Hẳn các bạn sẽ hỏi làm sao biết thị trường đang đi ngang hay đang có xu hướng rõ ràng, điều này thì thực sự cần đến cảm nhận thị trường của bạn. Có một điểm khó nữa là thị trường chung có thể đi ngang, nhưng một cổ phiếu cụ thể có thể có xu hướng rất rõ ràng. Ngoài ra thời điểm khi cổ phiếu chuyển xu hướng từ đi ngang sang lên hoặc xuống cũng là thời điểm khó khăn. Đây chính là lúc cần đến sự tinh tế của bạn để ra quyết định. Chúc may mắn!

Previous Post Next Post